Trong một năm 2020 "họa vô đơn chí", hàng loạt yếu tố đến cùng lúc đã khiến chuỗi cung ứng chip toàn cầu lâm vào tình trạng thiếu hụt, căng thẳng chưa biết đến bao giờ mới hết.
Toàn thế giới đang lâm vào cảnh thiếu chip và vấn đề ngày một trở nên nghiêm trọng hơn. Thậm chí tình hình còn nghiêm trọng đến mức tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải ra một sắc lệnh hành pháp để giải quyết nguồn cung cho loại sản phẩm công nghệ này.
Tổng thống Mỹ cũng cam kết một khoản quỹ 37 tỷ USD để chi trả cho các chi phí ngắn hạn trong việc tái xây dựng lại và đảm bảo nguồn cung bán dẫn cho nước Mỹ, vốn là linh kiện cơ bản từ các vi chíp cho đến mọi thứ bên trên như máy tính, smartphone, năng lượng tái tạo hay thiết bị quân sự.
Trong đó, lĩnh vực ô tô được xem như chịu tác động nặng nề nhất khi các chip bán dẫn đang trở thành thành phần xương sống cho hầu hết các dòng xe. Hãng Ford dự kiến giảm 20% sản lượng trong khi Tesla đóng cửa dây chuyền lắp ráp Model 3 trong 2 tuần. Tại Anh, hãng Honda cũng buộc phải đóng cửa tạm thời nhà máy của họ.
Ngay cả các công ty công nghệ cao như Nvidia và Microsoft cũng bị ảnh hưởng bởi việc thiếu hụt nguồn cung này, khi các card đồ họa và máy chơi game Xbox của họ hiện đang không có hàng để cung cấp. Điều này cho thấy, không một công ty nào, dù lớn hay nhỏ, dù công nghệ hay không, được an toàn trước tác động lan rộng của "nạn hạn hán" bán dẫn trong năm 2021 này. Nguồn cơn tình trạng này đến từ đâu?
Chênh lệch cán cân thị trường
Dù rất dễ đổ lỗi cho đại dịch Covid-19 dẫn đến tình hình hiện nay, nhưng trên thực tế, chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đã có vấn đề từ trước đó. Đến 70% lượng bán dẫn toàn cầu được sản xuất chỉ bởi hai công ty, TSMC và Samsung.
Các rào cản gia nhập thị trường sản xuất bán dẫn này cũng vô cùng lớn. Cần một số tiền khổng lồ để xây dựng một cơ sở đúc chip, có thể từ 10 tỷ đến 12 tỷ USD vốn đầu tư ban đầu và sau đó cần ít nhất 3 năm để cơ sở này sẵn sàng sản xuất.
Ngay cả như vậy, cũng không có gì đảm bảo năng suất chip thành phẩm của cơ sở đúc mới sẽ tương đương với các cơ sở đi trước. Chip đang ngày càng nhỏ hơn, khó sản xuất hơn và áp lực giảm giá là các yếu tố chính mang lại nhiều rủi ro cho khả năng sinh lợi nhuận đối với mảng kinh doanh này.
Chính vì vậy, dẽ hiểu tại sao chỉ một vài công ty siêu lớn mới có khả năng đầu tư vào sản xuất chip và chia sẻ rủi ro cũng như chi phí cho hàng trăm nghìn khách hàng của họ. Ngành công nghệ toàn cầu đã từng vui vẻ trút gánh nặng sản xuất bán dẫn này lên vai các đối tác như TSMC và Samsung. Nhưng khi nhu cầu tăng đột biến trên toàn cầu, điều này lại trở thành vấn đề.
Nhu cầu cao đột biến
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu tăng cao đột biến cho thiết bị điện tử gia dụng như laptop, máy chơi game, khi nhiều người bắt đầu làm việc ở nhà và tìm kiếm thêm các thiết bị mới cho nhu cầu giải trí tại gia.
Những tưởng khi nhu cầu đi lại giảm và kinh tế suy thoái, các công ty ô tô sẽ ít ảnh hưởng bởi đợt hạn hán chip này, thế nhưng đến cuối năm 2020 vừa rồi, doanh số ô tô mới đột ngột bật tăng trở lại khiến các hãng xe không kịp trở tay. Những đơn hàng bán dẫn bị hủy vào thời điểm nhu cầu thấp đã bị các nhà sản xuất đồ điện gia dụng chiếm mất, và các hãng xe đành chấp nhận hoàn cảnh hiện tại.
Tình hình hiện tại cũng là hậu quả ngoài ý muốn từ các biện pháp trừng phạt cứng rắn của cựu Tổng thống Trump với các công ty Trung Quốc. Khi công nghệ bán dẫn vẫn còn thua kém đối thủ, những người khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã tăng cường tích trữ chip bán dẫn trong năm 2020, vơ vét gần như bất kỳ mặt hàng nào với các đơn hàng số lượng lớn.
Yếu tố cuối cùng làm nên tình trạng hiện nay là đà tăng giá dựng đứng của bitcoin vào đầu năm 2021. Điều này làm gia tăng nhu cầu cho các GPU được sử dụng để khai thác nhiều đồng tiền mã hóa, làm trầm trọng thêm vấn đề nguồn cung bán dẫn hiện nay.
Các yếu tố này là quá đủ để buộc TSMC và Samsung phải chạy hết công suất nhà máy đúc chip của mình cũng như kéo dài thời gian giao hàng để lấp đầy các đơn hàng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt như hiện nay.
Ai là người thua?
Cổ phiếu của TSMC và Samsung đã tăng đến 190% và 61% tương ứng trong vòng 12 tháng qua nhờ tình trạng thiếu hụt nguồn cung này. Bất chấp các nỗ lực tốt nhất của tổng thống Joe Biden, tình hình này sẽ khó có thể cải thiện trong vòng 3 năm tới khi với tất cả các giới hạn công nghệ và kinh tế trong ngành bán dẫn này.
Giá thiết bị điện tử tiêu dùng cũng đã gia tăng thời gian qua, khi những kẻ đầu cơ liên tục vét sạch các mặt hàng card đồ họa và máy console trên các trang bán lẻ và bán lại với giá cao hơn trên các trang như eBay.
Có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ quyết định tăng giá để đáp ứng nhu cầu cao và nguồn cung linh kiện hạn chế hiện nay. Người dùng cuối vẫn sẽ phải trả nhiều tiền hơn để có được sản phẩm mà mình muốn – hệt như một trận hạn hán thực sự.
Tham khảo Fastcompany